Quyết định cắt giảm gần 40% công suất của nhà máy Điện mặt trời Thuận Nam dẫn đến hệ luỵ lớn không chỉ với nhà đầu tư như Trung Nam mà còn những doanh nghiệp khác hiện đang đấu nối vào đường dây này.
Nghị quyết 55NQ/TW của Bộ chính trị (11/02/2020) đã tạo ra động lực giúp Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Sự phát triển đồng bộ của hạ tầng năng lượng bao gồm hệ thống truyền tải tạo khả năng kết nối cao với hệ thống lưới điện khu vực, quốc gia, phù hợp với định hướng quy hoạch đã đảm bảo giải phóng công suất cho các dự án năng lượng đang có mặt trên trên địa bàn. Đặc biệt đây là địa phương có công trình Trạm biến áp 500kV và tuyến dây 500kV, 220kV do tư nhân đầu tư xây dựng đầu tiên trên cả nước. Công trình được hoàn thành vào tháng 10/2020 và trở thành dự án truyền tải quan trọng trong hệ thống truyền tải điện của Ninh Thuận. Góp phần giải toả toàn bộ công suất cho các dự án năng lượng đã và đang hoạt động trên địa bàn.
Sắp tới đây, nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong (thuộc xã Ninh Phước, huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà) cũng sẽ chính thức đi vào hoạt động và hoà lưới điện quốc gia thông qua các dự án thành phần trong đó được đấu nối trực tiếp vào TBA 500kV Thuận Nam (TBA 500kV Vân Phong và đấu nối; ĐZ 500kV NĐ Vân Phong – NĐ Vĩnh Tân; ĐZ 500kV đấu nối TBA 500kV Thuận Nam vào ĐZ 500kV NĐ Vân Phong – NĐ Vĩnh Tân). Các giai đoạn đấu nối đã và đang được thi công để kịp về đích trước ngày 25/12 này nhằm kịp thời giải tỏa công suất cho nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) BOT Vân Phong 1 và các nhà máy năng lượng tái tạo trong khu vực. Nếu dự án chậm tiến độ, mỗi ngày Việt Nam phải bồi thường 1 triệu USD. Nếu dự án truyền tải này chậm tiến độ 6 tháng, số tiền phải bồi thường lên tới khoảng 5.000 tỷ đồng. Nếu quá 6 tháng, hợp đồng BOT Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 sẽ bị chấm dứt sớm.
Tính đến nay, sau gần 2 năm vận hành ổn định, Trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và đường dây 500 kV Thuận Nam – Vĩnh Tân đã truyền tải hiệu quả hơn 4 tỷ kWh, con số này cho thấy tầm quan trọng của dự án trong thành công đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng quốc gia và là dự án truyền tải có quy mô và chất lượng do tư nhân đầu tư xây dựng. Dự án này được xây dựng song song với nhà máy Điện mặt trời 450MW Thuận Nam do Trungnam Group làm chủ đầu tư.
Mới đây, EVN đã có thông báo cắt giảm 172,12MW (trong tổng 450MW) công suất của dự án này vì cho rằng toàn bộ phần công suất này nằm ngoài room 2000MW điện mặt trời của tỉnh Ninh Thuận và chưa có giá mới để xử lý. Tuy nhiên theo ý kiến của các chuyên gia thì trong điều kiện thực tế ở Việt Nam thì công suất tấm pin mặt trời quy ra KW (MW) chỉ có thể bằng khoảng 60% công suất KPW (MWP) được ghi trên tấm pin – tức là tại Ninh Thuận có thể chưa tới 2000MW.
Trước đó, UBND tỉnh Ninh Thuận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cũng đã liên tiếp có các văn bản kiến nghị tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư khi đã bỏ ra hơn 12.000 tỷ đồng để xây dựng dự án điện mặt trời 450MW, trong đó trạm biến áp 500kV và đường dây truyền tải trị giá gần 2.000 tỷ đồng được nhà đầu tư bỏ kinh phí đầu tư, bàn giao lại cho EVN quản lý, vận hành với giá 0 đồng.
Kể từ ngày đi vào hoạt động đến nay, TBA 500kV vẫn luôn là một mắt xích quan trọng trong việc giải toả công suất trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và cho đến nay Trungnam Group vẫn hoàn toàn tự vận hành TBA này bằng nguồn tài chính riêng của doanh nghiệp. Việc TBA 500kV vận hành đúng thời gian cam kết và luôn đảm bảo việc truyền tải cho các dự án trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận theo quyết định 70/TTg-CN ngày 09/1/2020 của Chính phủ đã hỗ trợ EVN giải toả công suất và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác cùng hưởng lợi trên dự án này.
Theo khoản 5 Điều 4 Hợp đồng mua bán điện số 5, trường hợp đến hạn thanh toán nhưng chưa có văn bản thống nhất của Bộ Công thương về việc một phần nhà máy điện hoặc toàn bộ nhà máy điện được áp dụng giá điện, các bên thống nhất ghi nhận sản lượng điện giao nhận, tiền điện sẽ được thanh toán sau khi có văn bản thống nhất của Bộ Công thương. Và điều 9 hợp đồng đã nêu rõ EVN nếu cắt giảm công suất thì phải thông báo trước 10 ngày. Tuy nhiên, phía EVN thông báo vào ngày 31/8 là 0h ngày 1/9 cắt, tức chưa đến 1 ngày.
Cùng với đó, phần 40% công suất bị cắt giảm cũng chỉ mới được ghi nhận lên hệ thống chứ hoàn toàn chưa được thanh toán do những vướng mắc về việc chưa có giá điện mới. Điều này dẫn đến hệ luỵ to lớn không chỉ với nhà đầu tư như Trung Nam mà còn những doanh nghiệp khác hiện đang đấu nối vào đường dây này. Có thể nói, dự án 500kV đầu tiên do doanh nghiệp tư nhân đầu tư được xem như đã “chết yểu”.
Quy hoạch Điện VIII sắp được thông qua cùng với chủ trương phát triển mạnh các nguồn năng lượng xanh, sạch để đáp ứng cam kết của Việt Nam tại COP26 và hệ thống hạ tầng truyền tải sẽ tiếp tục được đầu tư mạnh trong thời gian tới. Để đáp lại lời kêu gọi của Chính phủ về việc để các doanh nghiệp tư nhân cùng đồng hành trong mục tiêu này thì cần xoá bỏ các rào cản, tạo nên một môi trường đầu tư an toàn, lành mạnh là điều đầu tiên, cũng là điều mang tính quyết định để có thể hiện thực hoá con đường này. Do đó, đây là thời điểm cần có những quyết định mang tính đột phá, nhanh chóng và phù hợp với thực tế hơn là căn cứ trên những quy chế cứng nhắc và thiếu tính khách quan, chia sẻ.
Theo Ngọc Ánh/Tạp Chí Nhà Đầu Tư