Phó thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị EVN xem xét ưu tiên huy động phần công suất chưa có cơ chế giá của nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận) của Trung Nam Group.
Thông báo ngày 5/10 của Văn phòng Chính phủ cho biết, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ Công thương chịu trách nhiệm xem xét, hướng dẫn, xử lý dứt điểm các kiến nghị của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam về việc dừng khai thác phần công suất chưa có cơ chế giá điện của nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Trong quá trình xử lý các kiến nghị cần xem xét toàn diện các vấn đề có liên quan về đầu tư xây dựng nhà máy điện gắn với đầu tư lưới điện truyền tải đấu nối giải tỏa công suất nguồn điện trong khu vực, hợp đồng mua bán điện giữa các bên, công nhận vận hành thương mại của cơ quan có thẩm quyền… bảo đảm sự thống nhất, đúng quy định.
Trước đó, ngày 4/10, UBND tỉnh Ninh Thuận đã kiến nghị Bộ Công thương và EVN tiếp tục huy động 172MW (chưa có giá bán điện) từ nhà máy ĐMT Trung Nam – Thuận Nam của Trungnam Group.
Tỉnh này cho biết, việc đơn phương ngừng huy động công suất dự án đã phá vỡ các điều khoản của hợp đồng mua bán điện, gây lãng phí nguồn năng lượng sạch, lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp đã đầu tư dự án, không phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2022 của Bộ Chính trị; gây thiệt hại cho nhà đầu tư, làm giảm nguồn thu ngân sách của tỉnh.
Cơ sở của kiến nghị là đối chiếu nội dung của hợp đồng mua bán điện và chỉ đạo của Thủ tướng hồi tháng 1/2020.
Cụ thể, Khoản 5, Điều 4 Hợp đồng mua bán điện của dự án ĐMT Trung Nam – Thuận Nam 450MW với Tập đoàn điện lực Việt Nam nêu: ‘’Trường hợp đến hạn thanh toán theo quy định tại khoản 1 điều này nhưng chưa có văn bản thống nhất của Bộ Công thương về việc một phần nhà máy điện hoặc toàn bộ nhà máy điện được áp dụng giá điện theo quy định tại Khoản 3, Điều 5 Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, các bên thống nhất ghi nhận sản lượng điện giao nhận. Tiền điện sẽ được thanh toán sau khi có văn bản thống nhất của Bộ Công thương.”.
Khoản 9, Điều 2 “khi thực hiện tạm giảm hoặc ngừng nhận điện bên mua điện phải thông báo trước cho bên bán điện ít nhất 10 ngày, nêu rõ lý do, thời điểm dự kiến bắt đầu và thời gian gián đoạn”.
Căn cứ Công văn 70/TTg-CN ngày 9/1/2020 của Thủ tướng chỉ đạo giao Bộ Công Thương “không để xảy ra tình trạng giảm phát các nhà máy điện làm lãng phí nguồn lực, thiệt hại đối với nhà đầu tư, nhất là trong điều kiện khó khăn về cung ứng điện hiện nay”.
Như vậy, việc dừng huy động công suất chưa có giá điện của dự án của Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo văn bản 6082/EPTC-KDMĐ là chưa tuân thủ theo các điều khoản của Hợp đồng mua bán điện, chưa đúng theo quy trình, quy định cụ thể nào và chưa tuân thủ theo nội dung Công văn số 70/TTg-CN ngày 09/01/2020 của Thủ tướng, văn bản của UBND tỉnh Ninh Thuận nêu.
Khởi nguồn sự việc bắt đầu từ khi Công ty Mua bán điện (thuộc EVN) ra thông báo (ngày 31/8/2022) với nội dung: từ 0h00 ngày 1/9/2022 sẽ dừng khai thác đối với phần công suất chưa có cơ chế giá điện của nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam 450MW.
Trungnam Group nhận định, việc cắt giảm công suất là hành động cho thấy EVN không tuân thủ hợp đồng đã ký kết trước đó.
Với quyết định cắt giảm gần 40% công suất của nhà máy điện mặt trời Thuận Nam, EVN tiếp tục giáng một đòn mạnh vào nhà đầu tư đường dây 500kV. Nguyên nhân là gần 2 năm nay, phần 40% công suất bị cắt giảm đó cũng chỉ mới được ghi nhận lên hệ thống, chứ hoàn toàn chưa được thanh toán do những vướng mắc về việc chưa có giá điện mới.
Điều này dẫn đến hệ luỵ to lớn không chỉ với nhà đầu tư như Trungnam Group mà còn những doanh nghiệp khác đang đấu nối vào đường dây này.
Đây là dự án đầu tư có điều kiện được tỉnh tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Nhà đầu tư đã xây dựng trạm biến áp 500 KV – đường dây 500KV Thuận Nam – Vĩnh Tân với tổng kinh phí gần 2.000 tỷ đồng, nhằm giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo trong khu vực và sẽ bù đắp bằng doanh thu bán điện từ khai thác toàn bộ công suất dự án (450MW). Các chi phí này đã được ngân hàng thẩm định trong phương án vốn vay của dự án.
Với nhiều áp lực như: phần công suất chưa xác định giá bán điện chưa được thanh toán trong khoảng 22 tháng khai thác, thường xuyên bị giảm phát (nên công suất huy động không đạt so với thiết kế phê duyệt), gánh chịu phần chi phí truyền tải cho các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, nhà đầu tư đã bị tác động rất xấu về dòng tài chính (không đủ nguồn tài chính để hoàn thành nghĩa vụ cam kết với đơn vị tài trợ vốn).
Liên quan tới việc cắt giảm công suất, tại cuộc họp ngày 15/09/2021 về giải quyết các kiến nghị của dự án ĐMT 450MW, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã đề nghị EVN xem xét ưu tiên huy động công suất dự án này, vì đây là dự án đã tham gia đầu tư hạ tầng truyền tải và đang chịu chi phí truyền tải hộ cho các dự án trong khu vực. Qua đó đóng góp lợi ích cho xã hội, tiết kiệm được ngân sách nhà nước cho đầu tư hạ tầng truyền tải.
Đồng thời theo Kết luận cuộc họp 38/TB-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ngày 11/3/2022 về vận hành các nhà máy điện tại tỉnh Ninh Thuận, “việc vận hành huy động công suất nhà máy điện tuân thủ theo hợp đồng mua bán điện đã ký giữa đơn vị phát điện và Tập đoàn Điện lực Việt Nam”.
Ngay trước khi tỉnh Ninh Thuận lên tiếng, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2022, Thứ trưởng Bộ Công thương đã lý giải về tình huống cắt giảm công suất dự án này. Theo đó, trong 450MW, có 278MW đã được nghiệm thu và đã được EVN ký hợp đồng thống nhất giá mua điện của Trungnam Group. Còn lại 172MW điện mặt trời, theo hợp đồng EVN vẫn ký kết và đã mua, nhưng hiện nay chưa có giá.
Chính vì vậy, trong vấn đề 172MW này về phía Trungnam Group cũng có những thiếu sót là chưa hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu công trình theo quy định pháp luật và EVN đã huy động đưa vào lưới điện.
Nguyễn Cảnh_TheLEADER